Nội trở pin là gì? Tất tần tật thông tin về nội trở pin
Thứ Năm,
27/02/2025
Nội trở pin là gì? Nội trở pin biểu thị mức độ cản trở dòng điện bên trong pin và quyết định hiệu suất, khả năng cung cấp dòng điện của pin khi có tải. Việc hiểu rõ và biết cách kiểm tra nội trở pin thường xuyên sẽ tăng độ an toàn khi sử dụng pin, nhất là đối với các thiết bị có công suất cao. Dưới đây là tất tần tật thông tin về nội trở, được TOPACQUY tổng hợp và giải đáp sau đây.
1. Nội trở pin là gì?
Nội trở pin là một trong những thông số biểu thị khả năng dẫn dòng điện của pin. Khi giá trị nội trở pin thấp, pin có thể dẫn một lượng dòng điện đáng kể. Khi nội trở cao, pin khó cung cấp dòng điện lớn, dẫn đến việc giảm điện áp ra và làm nóng pin trong quá trình sử dụng. Nhiệt năng tạo ra không chỉ gây lãng phí năng lượng mà còn góp phần làm pin bị xuống cấp.
Ví dụ:
Ở hình minh họa bên dưới, điện áp của pin được xác định bởi nội trở và dòng điện đầu ra. Giả sử, chúng ta có suất điện động của pin - E0 là 10V. Khi nội trở của pin - RDC là 1Ω và tải - R là 9Ω thì pin sẽ cung cấp một điện áp đầu ra là 9V.
Tuy nhiên, nếu nội trở tăng lên 2Ω, điện áp đầu ra sẽ giảm xuống còn khoảng 8,2V. Qua đó, có thể thấy, khi nội trở tăng, điện áp đầu ra giảm, dẫn đến giảm hiệu suất của pin. Điều này cực kỳ ảnh hưởng xấu đến các thiết bị yêu cầu nguồn điện ổn định, như điện thoại di động, laptop, máy đo nhịp tim, máy khử rung tim, xe điện,...
Điện áp của pin được xác định bởi nội trở và dòng điện đầu ra
2. Nội trở pin bao nhiêu là tốt nhất?
Nội trở pin phụ thuộc vào kích thước, tính chất hóa học, tuổi thọ, nhiệt độ và dòng xả của từng dòng pin. Theo nhiều chuyên gia, pin có nội trở dao động từ 0,1 - 0,2 ohm được đánh giá là tốt nhất. Pin mới sẽ có nội trở thấp, sau thời gian sử dụng, nội trở pin sẽ cao dần.
Nội trở thấp giúp pin cung cấp năng lượng hiệu quả hơn, giảm thiểu tổn thất năng lượng, nhiệt độ sinh ra trong quá trình sử dụng. Ngược lại, nội trở cao có thể gây sụt dung lượng pin, gây hiện tượng dung lượng ảo.
3. Công thức và cách đo nội trở pin
Dưới đây là thông tin về công thức và cách đo nội trở pin chỉ với đồng hồ vạn năng mà bạn có thể tự thực hiện tại nhà:
3.1. Công thức tính nội trở pin
Công thức tính nội trở pin:
r = (V-Vt)/Vt.Rt |
Trong đó:
-
r: Nội trở pin.
-
V: Điện áp ban đầu của pin khi chưa có tải.
-
Vt: Điện áp trên hai cực của pin khi đã có tải.
-
Rt: Điện trở của tải.
3.2. Cách đo nội trở để biết chất lượng pin
Để đo nội trở pin, người dùng có thể sử dụng nhiều thiết bị đo chuyên dụng. Tuy nhiên, dưới đây là hai cách đo phổ biến nhất, bạn chỉ cần đo điện áp của pin khi không tải và đo điện áp của pin khi có tải và tính theo công thức, cụ thể:
Bước 1: Chuẩn bị trở 10 Ohm để tạo tải (dòng xả 0,4 - 0,5A), đồng hồ đo vạn năng và pin cần đo.
Dùng trở 10 Ohm để đo điện áp khi có tải
Bước 2: Kiểm tra lại điện trở, ghi lại giá trị vừa đo (ở hình dưới, giá trị điện trở đo được là 10,1 Ohm).
Đo giá trị điện trở trước khi bắt đầu đo nội trở
Bước 3: Sạc đầy pin trước khi bắt đầu đo.
Bước 4: Chạm hai đầu cực vào hai dây đo và ghi kết quả điện áp khi không tải (ở kết quả dưới là 4,111).
Bước 5: Đo điện áp khi có tải bằng cách chạm dây điện trở và dây đo, áp và đầu cực của pin (kết quả ở dưới là 4,070).
Đo điện trở khi có tải
Bước 6: Tính kết quả đo dựa vào công thức:
r = (V-Vt) / Vt.Rt = (4,111 - 4,070) / 4,070 x 10,1 = 0,1017 (Ω).
Điện trở 0,1017Ω được xem là tốt (nằm trong khoảng 0,1 - 0,2).
4. Một số câu hỏi về nội trở pin
Nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về nội trở, TOPACQUY đã tổng hợp và trả lời một số câu hỏi sau đây:
4.1. Có cách nào giảm nội trở pin để tăng hiệu suất hoạt động không?
Để duy trì và hạn chế sự gia tăng nội trở sau thời gian sử dụng pin, bạn nên bảo quản pin ở nhiệt độ phòng, tránh nơi có nhiệt độ hoặc độ ẩm cao. Thời gian sạc pin phải theo quy định từ nhà sản xuất, tránh sạc quá lâu hoặc sạc nhanh nhiều lần. Đối với các pin cần bảo dưỡng, cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn từ nhà sản xuất.
4.2. Đo nội trở pin để làm gì?
Việc đo nội trở pin giúp đánh giá tình trạng và hiệu suất pin. Pin có nội trở thấp có khả năng cung cấp năng lượng hiệu quả hơn. Pin có nội trở cao thường là pin đã cũ hoặc gặp vấn đề, có thể không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của thiết bị.
4.3. Khi nào nên kiểm tra nội trở pin?
Bạn có thể kiểm tra nội trở pin khi thấy có các dấu hiệu như pin nhanh hết, thiết bị giảm hiệu suất hoạt động, bị ngắt nguồn bất thường. Ngoài ra, việc kiểm tra định kỳ nội trở cũng rất quan trọng, nhất là đối với các thiết bị yêu cầu tính chính xác như thiết bị y tế, UPS,... để thay thế pin mới khi cần.
Việc kiểm tra nội trở rất cần thiết để xác định pin có còn hoạt động tốt không
Tìm hiểu chi tiết về nội trở pin là gì và cách đo nội trở sẽ giúp bạn đánh giá tình trạng pin đang dùng có tốt hay không. Hy vọng với những chia sẻ trên từ TOPACQUY, bạn đã hiểu rõ hơn về nội trở pin nhé!